“Mẹ!
Có nghĩa là mãi mãi
Là - cho - đi - không - đòi - lại - bao - giờ”
(Thanh Nguyên)
Trong mỗi người chúng ta, mẹ không chỉ là người sinh ra và nuôi nấng ta, mà còn là người có vị trí thật đặc biệt. Có những món ăn, không ai nấu ngon bằng mẹ, có những sở thích của ta, chỉ mẹ là người hiểu rõ nhất. Ấy mà, cũng có khi, ta làm mẹ buồn, cũng có khi ta mãi vui chơi bên ngoài mà quên mất mẹ đang chờ ta ở nhà, có đôi khi ta làm mẹ khóc chỉ vì những hành động quá vô tâm của ta!Tình cảm thiêng liêng nhất và sâu sắc nhất trên đời cũng là tình thương yêu của người mẹ.
Nhân dịp kỉ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3, Thư viện trường Tiểu học Đồng Thái xin giới thiệu đến quý thầy cô và các em học sinh quyển sách: " Xin đừng làm mẹ khóc" do nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh biên soạn. Sách gồm 208 trang là những câu chuyện giản dị mà đầy ý nghĩa, sâu sắc về người mẹ, về tình mẹ con - một thương vô điều kiện và không gì có thể sánh bằng. Trong những trang sách này, bạn sẽ tìm lại được và nhận ra những phút giây đồng cảm trong tình yêu thương, cảm xúc về mẹ, tìm về ký ức tuổi thơ thân thương gắn bó bên mẹ, và cả những suy tư trăn trở về mẹ, về lỗi lầm, về tất cả những gì mẹ đã hy sinh cho chúng Như trong câu chuyện Mẹ và Con - một người mẹ luôn than phiền vì con của cô luôn muốn được ở bên cạnh cô, nhưng cô vì công việc, luôn cảm thấy phiền khi đi cùng con. Rồi đến một ngày, cô cũng hiểu vì sao các con cần cô, nhưng thật buồn, vì khi ấy, con cô đã không còn muốn ở cạnh mẹ nữa.Trong câu chuyện Phép màu của Mẹ cho thấy, làm điều tốt cho con, không có nghĩa là nuông chiều con, như người mẹ trong câu chuyện, đã đối với Ken, một đứa trẻ lên 9, bị chứng bại não, khiếm thính và thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Ken thích tấm ván trượt tuyết nhưng không thể trượt với đôi nạng gỗ. Tuy vậy, với tấm lòng người Mẹ, cô đã giúp Ken trượt được với đôi ván trượt dù phải mất vài ngày Ken mới có thể leo lên trèo xuống tấm ván và hai ống quần rách bươm, lộ ra những vết trầy xước rướm máu. Nhờ sự kiên định và tấm lòng của người mẹ mà cậu bé bại não 9 tuổi ngày nào đã trở thành một người đàn ông có một cuộc sống độc lập và có công việc ổn định.

Làm mẹ có nghĩa là phải cố gắng từng chút một. Dù có thể bạn đang rất bận rộn, hay rất bận rộn hay rất mệt. Có thể bạn đang muốn rửa chén, thì con bạn muốn xem cùng bạn, có thể bạn đã mệt và muốn nghỉ ngơi, nhưng con bạn muốn cùng bạn làm bánh. Có thể bạn đã mệt mỏi, bạn chỉ muốn ngủ, thì con bạn vẫn muốn bạn đọc cho nghe một câu chuyện cổ tích. Như cô bé Erica trong câu chuyện Làm Mẹ, luôn mong mẹ chơi với mình. Cô bé đã khiến mẹ hạnh phúc khi nói rằng: “Không ai trên đời này yêu mẹ nhiều bằng con đâu”. Chân dung Người Mẹ là hình ảnh bất biến và mãi trường tồn với thời gian, thách thức mọi xa cách và ngăn trở không gian. Hình ảnh đó giúp chúng ta không chỉ có đủ sức mạnh để đi đến tận cùng con đường đã lựa chọn mà còn có đủ niềm tin để luôn hướng về phía ánh sáng trên từng chặng đường ta qua. Và đến một ngày nào đó, mỗi chúng ta lại trở thành những bậc cha mẹ tiếp tục ban tặng cho thế hệ mai sau tình yêu thương cao đẹp của mình…
Hiện sách có tại Thư viện trường Tiểu học Đồng Thái rất mong quý thầy cô và các em học sinh đến tìm đọc nhé!