Nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục học sinh không thể riêng rẽ mà cần phối hợp chặt chẽ giữa 3 trụ cột gia đình, nhà trường và xã hội.
Xem lại toàn bộ những video giáo viên tại Tuyên Quang bị học sinh trong lớp ném dép, xúc phạm, cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh - giáo viên cấp THPT tại Hà Nội cảm thấy rất sốc.
Với cô Ngọc Ánh, hành động học trò liên tục chửi bới, reo hò, đôi lúc cầm gậy và quạt, chỉ vào mặt, tìm cách giật điện thoại cô giáo cầm trên tay là hành vi không thể chấp nhận được.
"Tôi không nghĩ mình phải quan tâm tới lí do tại sao học trò lại có thể đối xử với giáo viên của mình như vậy. Bản thân tôi khi làm nghề luôn giáo dục cho các em rằng, dù các em không thành công trong học tập nhưng bắt buộc phải có ý thức tốt, là người học sinh có nhân phẩm.
Những hành động của học sinh trong vụ ném dép cô giáo tại Tuyên Quang khiến tôi lạnh người bởi không thể nghĩ, học trò đối xử với giáo viên của mình rất chua xót và dường như việc làm hội nhóm này đã trở thành một thói quen" - cô Ngọc Ánh bức xúc.
Bên cạnh hình ảnh cô giáo như không phản kháng gì, chịu đựng trong nhiều phút ở video đầu tiên mà cô Ánh xem, ở diễn biến khác, cô giáo cũng cầm dép đuổi đánh học sinh, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn khiến cô Ánh không khỏi nghẹn lòng.
Từ vụ việc trên, theo quan điểm cá nhân của cô Ánh, việc giáo dục học sinh cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
"Trong quá trình giảng dạy, giáo viên và phụ huynh, học sinh sẽ không tránh được những hiểu lầm. Theo tôi, nếu xảy ra những sự cố, giáo viên cần ngồi lại với phụ huynh để trao đổi, đưa ra hướng giải pháp. Đồng thời, về phía gia đình các em, sự giáo dục của các bậc cha mẹ rất quan trọng. Sự chăm sóc, quản lý của cha mẹ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và quá trình học tập của các em.
Chúng ta không nên đổ lỗi cho bất cứ điều gì khi sự việc xảy ra nhưng có lẽ, phụ huynh không nên quá phụ thuộc, phó thác thậm chí là khoán trắng trách nhiệm giáo dục con trẻ cho nhà trường, bởi nếu thiếu đi một trong số ba vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội thì sẽ không thể phát triển toàn diện nhân cách các em" - cô Ngọc Ánh thẳng thắn nói.
Chia sẻ tại toạ đàm “Khi giáo viên là nạn nhân của bạo lực học đường: Tại sao tinh thần tôn sư trọng đạo bị phai nhạt?" do Báo Lao Động tổ chức ngày 8.12, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, nếu không có 3 trụ cột: Nhà trường, gia đình, xã hội chúng ta sẽ không thể hoàn thành công việc.
"Muốn làm gì cũng cần phải có sự đồng hành của 3 trụ cột trên. Phụ huynh cố gắng cùng với nhà trường, xã hội tiếp cận những tiến bộ đúng mực. Không nên đề cao cụ thể một điều gì. Ví dụ như vai trò cá nhân, nếu đề cao quá sẽ dễ hình thành tính ích kỷ, cá nhân hóa, làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh.
Trong mọi điều kiện phải nhìn nhận, đối diện với vấn đề để tìm ra giải pháp. Nhà trường, giáo viên cần quan tâm nhiều đến giáo dục tư cách, đạo đức" - GS.TS Nguyễn Văn Minh bày tỏ.
Theo Báo Lao động.
Nguồn bài viết: Giáo dục học sinh không nên khoán trắng cho nhà trường (laodong.vn)